Có
nhiều lý do khiến giới trẻ dễ 'sập bẫy' thẻ tín dụng
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu
khuyên khi người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng, họ phải cân nhắc để số nợ thẻ
không vượt quá 50% thu nhập hàng tháng, nếu không dễ dẫn đến tình trạng phá
sản, nợ xấu.
Lương thấp
nhưng chi tiêu vô tội vạ, nhiều người đang tự trói buộc mình vào những món nợ
từ thẻ tín dụng.
Hương Linh, nhân viên một công ty phần
mềm ở quận Đống Đa, Hà Nội đang dùng thẻ tín dụng của một ngân hàng quốc tế. Cô
cho biết mình mở thẻ tín dụng từ lâu, khi thu nhập lúc ra trường mới chỉ 8
triệu đồng mỗi tháng. Hạn mức sử dụng của thẻ từ đó đến nay chỉ là 16 đến 17
triệu đồng.
Theo Linh, cái lợi dễ thấy nhất của thẻ
tín dụng là cô có thể dùng để mua hàng trực tuyến và quẹt thẻ khi không có tiền
mặt. Tuy nhiên, đổi lại, khá nhiều rắc rối đối với một người thu nhập không
cao.
"Vì hạn mức thẻ thấp nên em không
thể quẹt nhiều", Linh cho biết. Lương cũng thấp nên nhiều lúc cô phải xoay
như chong chóng để đi trả nợ, nếu không muốn thành nợ quá hạn và bị đánh lãi
suất cao ngất ngưởng.
Bên cạnh đó, những khoản phí lặt vặt
cộng lại cũng thành một số tiền lớn đối với một người có thu nhập trung bình.
Phí duy trì thẻ hàng năm 300.000 đồng; phí chậm nộp 4% mỗi lần cô chậm nộp tiền
tại ngân hàng; phí cấp lại thẻ, phí cấp bản sao kê 100.000 đến 200.000 đồng.
Nhiều khi thiếu tiền mặt, cô phải chạy ra ATM để rút và bị đánh phí 4% trên số
tiền rút ra. Còn nếu chậm nộp tiền hoặc vượt hạn mức, cô sẽ bị đánh lãi suất
cao hơn 30% một năm.
Ngoài ra, Linh cho biết đối với cô, thẻ
tín dụng dường như là một "cạm bẫy ngọt ngào". Khi có thẻ trong tay,
cô luôn có cảm giác mình là người có tiền, sẵn tiền, do đó nhiều khi rơi vào
cảnh chi tiêu mất kiểm soát.
Còn ở TP HCM, Nguyễn Mạnh Nam, một nhân
viên công ty xuất nhập khẩu lý giải cho việc quanh năm suốt tháng trong tình
trạng nợ "ngập đầu" là vì thẻ tín dụng. Tuy nhiên, Nam cũng khẳng
định mình không thể sống thiếu thẻ dù thu nhập không cao, chưa đến 20 triệu
đồng mỗi tháng.
"Cuộc sống ở TP HCM khác hẳn với
nơi mình từng sống ngoài Hà Nội. Ở đây lúc nào cũng có lý do để tiêu
tiền", Nam nói. Ví dụ, hàng tuần cậu có ít nhất là một cuộc mua sắm với
bạn bè hay người yêu, đi bar vào mỗi cuối tuần, ngày nào cũng có thể lê la quán
xá, chưa kể còn phải "chạy đua" mua sắm các thiết bị công nghệ với
bạn bè. Với thẻ tín dụng, Nam dễ dàng mua sắm kể cả khi không có tiền, hoặc rút
tiền mặt từ thẻ tín dụng ra tiêu tạm mỗi khi ví rỗng, lương chưa
về.
Với một người thu nhập ở mức bình thường,
chiếc thẻ tín dụng trở thành một gánh nặng. Đến mỗi kỳ có lương, thưởng hoặc
một khoản thu nhập bất thường, Nam lập tức đi trả nợ ngân hàng để không bị rơi
vào cảnh nợ xấu, nợ quá hạn. Tuy nhiên, cảnh nợ nần ngập đầu là không thể tránh
khỏi.
Nam cho biết không chỉ riêng Nam, nhiều
bạn bè của anh cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi bị trói buộc vào chiếc
thẻ mà không thể thoát ra. "Hiện số nợ của mình là gần 40 triệu đồng. Đã
đi làm mấy năm rồi nhưng chưa khi nào có khoản tiền tiết kiệm dắt lưng, chỉ
suốt ngày lo trả nợ", Nam nói.
Trường hợp như Linh và Mạnh Nam không
hiếm hiện nay. Nhất là sau thời kỳ các ngân hàng chạy đua doanh số thẻ, trên
thị trường dễ gặp cảnh người người dùng thẻ tín dụng dù chỉ số ít trong đó có
thu nhập cao thực sự. Ở một số ngân hàng, thu nhập chỉ từ 6 triệu đồng trở lên
là đã có thể mở thẻ tín dụng. Còn theo những người am hiểu về ngành ngân hàng,
họ cho rằng chỉ người có thu nhập cao, hàng chục triệu đồng mỗi tháng thì mới
nên dùng thẻ tín dụng.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu
khuyên khi người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng, họ phải cân nhắc để số nợ thẻ
không vượt quá 50% thu nhập hàng tháng, nếu không dễ dẫn đến tình trạng phá
sản, nợ xấu.
Nguồn: http://daohantindung.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét