Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Quy trình chấm điểm, xếp hạng tín dụng khách hàng thể nhân tại CIC

Quy trình chấm điểm, xếp hạng tín dụng khách hàng thể nhân tại CIC

Quy trình chấm điểm, xếp hạng tín dụng khách hàng tại CIC được thực hiện qua 5 bước cơ bản sau:
Bước 1: Thu thập thông tin.
Hiện nay, CIC thường xuyên cập nhập thông tin về khách hàng từ các ngân hàng thương mại, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng. Nguồn dữ liệu đầu vào còn được bổ sung và cập nhật thông qua việc kết nối và trao đổi thông tin với các kho thông tin dữ liệu của của các bộ ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Công an… và khai thác trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bước 2: Kiểm soát và cập nhật thông tin khách hàng.
Sau khi nhận được thông tin từ các tổ chức tín dụng truyền qua hệ thống thông tin về, thông tin được chuyển đến tổ kiếm soát thuộc phòng xử lý dữ liệu. Tại đây, thông tin của khách hàng được lọc qua các điều kiện lỗi như: Trùng mã (khách hàng có cùng số chứng minh thư, cùng tên, hoặc số đăng ký kinh doanh, mã số thuế, nhưng tồn tại hai mã CIC khác nhau); tăng giảm dư nợ đột biến; ngày báo cáo cũ, chuyển nhóm nợ… Các khách hàng có nghi ngờ, được tạo file báo cáo, gửi về tổ chức tín dụng để xác nhận lại thông tin của khách hàng và thực hiện điều chỉnh nếu có.
Bước 3: Thực hiện chấm điểm tín dụng khách hàng cá nhân.
Chương trình  tính  điểm cho khách hàng dựa vào 9 chỉ tiêu (Bảng 1). Báo cáo “Chấm điểm tín dụng cá nhân” được tính toán, phân tích và lập theo quy trình công nghệ, chuẩn mực, số liệu, hạn chế tối đa tác động của người xử lý vào bản tin.
Bước 4: Đánh giá của chuyên gia

Sau khi chương trình đã tính được điểm cho khách hàng dựa vào 9 chỉ tiêu và hiển thị bản báo cáo được tạo lập ban đầu. Chương trình sẽ kiểm tra tính hợp lý của dữ liệu theo nguyên tắc kiểm soát chỉ số và chỉ ra những điểm chuyên gia đánh giá cần xem xét lại  khi phát hiện có sự không hợp lý về chỉ tiêu pháp lý, chỉ tiêu chấm điểm, tổng điểm và xếp hạng của khách hàng.

Bước 5: Báo cáo chấm điểm
Bản báo cáo sau khi đã được cán bộ xử lý, chuyên gia chấm điểm xếp loại xong, chuyển cho người có thẩm quyền kiểm soát kiểm tra lại. Những bản báo cáo chưa được chấp nhận được Người kiểm soát trả lại cho cán bộ xử lý và thông báo những điểm cần bổ sung, chỉnh sửa, sau đó mới tiếp tục quy trình để chuyển vào vùng trả lời cho khách hàng.
Phương pháp xếp hạng tín dụng khách hàng thể nhân
CIC xếp hạng tín dụng thể nhân dựa trên phương pháp cả hai phương pháp gồm phương pháp thống kê và phương pháp chuyên gia. Mô hình cụ thể sử dụng là mô hình điểm số. Mô hình điểm số là một phương pháp khoa học kết hợp sử dụng dữ liệu nghiên cứu thống kê logic và áp dụng mô hình toán học để phân tích, tính điểm cho các chỉ tiêu đánh giá trong mô hình. Các chỉ tiêu chấm điểm được sử dụng theo nhóm, sau đó đưa vào mô hình để tính điểm theo trọng số và quy đổi điểm nhận sang một biểu tượng xếp hạng tương ứng.
Chuyên gia tham gia các giai đoạn từ nghiên cứu, xây dựng quy trình, thực hiện triển khai, kiểm soát trong quá trình thực hiện và điều chỉnh để sản phẩm ngày càng hoàn thiện.
Đội ngũ các chuyên gia bao gồm Ban Tổng giám đốc tại CIC- những người đã có nhiều năm kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về hoạt động thông tin tín dụng nói chung, cũng như hoạt động chấm điểm thể nhân nói riêng và đội ngũ các chuyên gia tại các phòng nghiệp vụ của CIC, đội ngũ chuyên gia này tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, xây dựng quy trình, thực hiện triển khai, kiểm soát trong quá trình thực hiện và điều chỉnh để sản phẩm ngày càng hoàn thiện.
Các chỉ tiêu sử dụng cho xếp hạng tín dụng tại CIC và cách thức thực hiện
Việc chấm điểm, xếp hạng tín dụng khách hàng thể nhân tại CIC dựa vào 9 chỉ tiêu, chia thành 3 nhóm:
(i) Số dư nợ và tình trạng nợ; 
(ii) Lịch sử trả nợ;
(iii) Lịch sử quan hệ tín dụng (Bảng 1). Với mỗi chỉ tiêu chấm điểm này sẽ có khoảng điểm (nhỏ nhất – lớn nhất), các khoảng điểm này được tính toán dựa trên mức độ quan trọng của từng chỉ tiêu đã được các chuyên gia tại trung tâm kiểm định và tổng các khoảng điểm từ 150-750 điểm.
Các chỉ tiêu thể hiện nợ không đủ tiêu chuẩn, nợ xấu của khách hàng là các chỉ tiêu trực tiếp phản ánh khả năng chi trả của khách hàng, do vậy điểm thấp nhất cho các chỉ tiêu này có thể là giá trị âm hoặc bằng 0. Chẳng hạn chỉ tiêu “nhóm nợ cao nhất hiện tại”, nếu khách hàng có nhóm nợ càng cao thì thể hiện khả năng vỡ nợ của khách hàng càng lớn, nếu rơi vào nhóm cao nhất tức nhóm 5 hoặc nợ ngoại bảng thì đã không còn khả năng trả nợ nên giá trị nhỏ nhất với chỉ tiêu này sẽ là giá trị âm.
Các chỉ tiêu còn lại phản ánh gián tiếp khả năng vỡ nợ của khách hàng, do vậy điểm thấp nhất cho các chỉ tiêu này không có giá trị âm hoặc bằng 0, điểm của chỉ tiêu cao hay thấp phụ thuộc vào giá trị của chỉ tiêu là bao nhiêu.
Các chỉ tiêu  phản ánh lịch sử quan hệ tín dụng của khách hàng (không bao gồm tình hình nợ không đủ tiêu chuẩn) được đánh giá mức độ quan trọng thấp hơn chỉ tiêu phản ánh hiện tại nên có khoảng điểm cũng thấp hơn.
Sau khi thực hiện xác định tổng điểm, khoản tín dụng sẽ được xếp hạng theo Bảng 2. Cuối cùng, CIC sẽ ra các báo cáo xếp hạng tín dụng cá nhân gồm 4 nội dung:
(i) Thông tin về khách hàng;
(ii) Thông tin về quan hệ tín dụng khách hàng;
(iii) Chỉ tiêu chấm điểm tín dụng khách hàng;
(iv) Điểm tín dụng khách hàng và xếp loại.

Đánh giá hoạt động xếp hạng tín dụng thể nhân tại CIC
Có thể thấy, hoạt động chấm điểm và xếp hạng tín dụng khách hàng thể nhân của CIC đang được tổ chức theo hướng khoa học và hệ thống theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn đánh giá hoạt động xếp hạng tín dụng gồm tính khách quan, tính thận trọng, tính minh bạch và bảo mật về thông tin tín dụng khách hàng (Langohr và Langohr 2008).
Về phương pháp, CIC đã áp dụng kết hợp cả phương pháp mô hình thống kê và phương pháp chuyên gia để đưa ra mô hình chấm điếm thể nhân, vì vậy các tiêu chí trong mô hình cùng các trọng số tính điểm có độ tin cậy và khách quan. CIC không sử dụng các chỉ tiêu nhân thân như nhiều tổ chức tín dụng khác ở Việt Nam (xem mô hình xếp hạng tín dụng thể nhân của Đinh Thi Huyen Thanh and Kleimeier S. 2006, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam năm 2014, Ngân hàng Công thương Việt Nam năm 2013) mà chỉ sử dụng các chỉ tiêu tài chính.
Điều này phù hợp với các mô hình xếp hạng tín dụng thể nhân trên thế giới như mô hình chấm điểm tín dụng FICO và VantageScore (Mỹ) và đảm bảo sự công bằng đối với các cá nhân vay nợ tại các tổ chức tín dụng. Quy trình xếp hạng tín dụng sử dụng tối đa phần mềm chấm điểm, vì vậy việc chấm điểm, xếp hạng tín dụng  nhanh chóng, hạn chế được sự tham gia của con người, đảm bảo tính khách quan của kết quả xếp hạng.
Bên cạnh đó, quy trình vẫn kết hợp sự kiểm soát của chuyên gia để kết quả xếp hạng không có sai sót, đảm bảo tính thận trọng của việc xếp hạng tín dụng. Tuy nhiên, hệ thống chấm điểm khách hàng thể nhân của CIC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Thứ nhất, các chỉ tiêu sử dụng để kiểm định trong mô hình xếp hạng tín dụng thể nhân của CIC mang tính chất lịch sử mà chưa có các chỉ tiêu dự báo cho tương lai. Do khả năng trả nợ là yếu tố quan trọng nhất mà tổ chức cho vay quan tâm, nên các chỉ tiêu mang tính dự báo khả năng trả nợ trong tương lai như sự ổn định của thu nhập hay mức thu nhập bình quân theo tháng hoặc năm… nên được xem xét kiểm định trong mô hình.

Trên thực tế đây là những chỉ tiêu thường được sử dụng trong xếp hạng tín dụng thể nhân (xem Abdou và Pointon 2011) và là các thông tin mà các tổ chức tín dụng thường thu thập khi xét duyệt một khoản cho vay nên CIC sẽ có thể thu thập được các dữ liệu này cho việc xếp hạng tín dụng. Việc tách bạch phân tích các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn cũng sẽ làm kết quả xếp hạng tín dụng thể nhân chính xác hơn.

Langohr và Langorh (2008) chỉ ra rằng, trong khi việc đánh giá rủi ro tín dụng ngắn hạn chú trọng vào đánh giá tính thanh khoản, rủi ro tín dụng dài hạn, ngoài tính thanh khoản còn phải xem xét khả năng thu hồi vốn nếu rủi ro tín dụng xảy ra trên thực tế. Các thông tin khác như mục đích sử dụng vốn vay cũng cần được xem xét kiểm định.
Một lưu ý quan trọng khác khi xét tới các chỉ tiêu về quan hệ tín dụng, trước đây chỉ tiêu này của CIC có bao gồm các chỉ tiêu về tín dụng thẻ (dư nợ thẻ được tổ chức tín dụng gửi gộp vào dư nợ tín dụng, không phân biệt dư nợ thẻ hay dư nợ tín dụng) nên báo cáo chấm điểm khách hàng thể nhân mặc định đã được tính cả dư nợ thẻ của khách hàng, nhưng từ khi tổ chức tín dụng thực hiện truyền tệp theo Thông tư 03/2013/TT-NHNN ngày 28/1/2013 quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thông tin về thẻ tín dụng của khách hàng đã được tách ra khỏi dư nợ tín dụng và gửi theo tệp báo cáo riêng do những khác biệt thông tin thẻ tín dụng với quan hệ tín dụng.
Hiện tại, báo cáo chấm điểm khách hàng mới chỉ sử dụng thông tin về dư nợ tín dụng và chưa tính đến các thông tin về thẻ tín dụng. Hiện nay, số lượng khách hàng sử dụng thẻ tín dụng là rất lớn, mức độ tiêu dùng cao, do vậy thông tin tín dụng thông qua thẻ cần phải được đưa vào mô hình chấm điểm, xếp hạng tín dụng thể nhân. Ngoài ra, mô hình xếp hạng tín dụng thể nhân nên được kiểm định lại định kỳ theo kế hoạch, vì theo sự thay đổi của thị trường và các điều kiện kinh tế vĩ mô có thể làm mô hình thay đổi về cả chỉ tiêu đánh giá và trọng số của các chỉ tiêu.
Thứ hai, mặc dù quy trình chấm điểm xếp hạng tín dụng thể nhân của CIC khá chặt chẽ, thông tin của khách hàng được kiểm soát nhiều lần, đảm bảo tính thận trọng, khách quan, hạn chế tác động của người xử lý. Tuy nhiên, quy trình này vẫn còn có hạn chế. Nếu khách hàng bị nghi ngờ, sai sót, thì việc điều chỉnh dữ liệu rất mất thời gian. CIC cũng chưa có luồng thông tin phản hồi lại cho tổ chức tín dụng nếu khách hàng bị trả lời chậm.
Thứ ba, thông tin dữ liệu đầu vào cho hệ thống chấm điểm của CIC lấy từ nhiều nguồn, chủ yếu là thông tin về dư nợ, thông tin về tài sản và thông tin định danh khách hàng. Tuy nhiên, nhiều thông tin gửi từ các ngân hàng thương mại về CIC chậm và chưa được cập nhật làm ảnh hưởng tới việc chấm điểm và xếp hạng.
CIC cũng đang tận dụng các đầu tin có sẵn cho việc xếp hạng tín dụng. Nhiều thông tin cần thiết khác theo mô hình chấm điểm nhưng vẫn chưa thu thập được chẳng hạn thông tin pháp lý như thu nhập, công việc… Nhiều thông tin trong kho của khách hàng đã cũ, ví dụ khách hàng thay đổi chứng minh thư hoặc dùng giấy tờ khác để vay nợ (chẳng hạn hộ chiếu) nhưng không khai báo với tổ chức tín dụng nên thông tin khách hàng vẫn bị thiếu sót.

Đề xuất và kết luận
Để nâng cao chất lượng của thông tin xếp hạng tín dụng thể nhân, CIC cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, xem xét kiểm định lại mô hình xếp hạng tín dụng thể nhân theo các hướng:
(i) bổ sung các chỉ tiêu liên quan tới khả năng hoàn trả nợ của khách hàng trong tương lai như thu nhập bình quân, sự ổn định của thu nhập, mục đích của khoản vay;
(ii) phân tích tách bạch nợ ngắn hạn và nợ dài hạn, trong đó việc đánh giá nợ ngắn hạn chú trọng vào các chỉ tiêu về tính thanh khoản và việc đánh giá nợ dài hạn ngoài tính thanh khoản còn xem xét các vấn đề như giá trị thu hồi nếu rủi ro thực xảy ra;
(iii) bổ sung thông tin tín dụng trên thẻ vào mô hình kiểm định.
Mô hình xếp hạng tín dụng thể nhân sẽ dựa trên kết quả kiểm định cuối cùng dựa trên việc bổ sung các tiêu chí đề xuất. Việc kiểm định này cũng cần được thực hiện định kỳ để đảm bảo sự tin cậy và thích hợp của mô hình chấm điểm, xếp hạng tín dụng thể nhân, đặc biệt mô hình cũng cần được tái đánh giá trong những trường hợp có biến động kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, để đảm bảo có nguồn thông tin chính xác, kịp thời cho việc chấm điểm xếp hạng tín dụng thể nhân, cũng như để xử lý dữ liệu nhanh chóng trong trường hợp nếu khách hàng bị nghi ngờ, sai sót, CIC cần xây dựng quy trình trao đổi thông tin trong trường hợp có lỗi với các tổ chức tín dụng cũng như các bộ, ngành liên quan một cách chặt chẽ và khoa học.  
Thứ ba, vì nhiều thông tin nhân thân của khách hàng dùng để vay nợ đã cũ nên việc thu thập thông tin cá nhân từ quản lý Nhà nước như Bộ Công an (Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư – C72), … cũng góp phần tăng thêm nguồn dữ liệu tại CIC, nâng tỷ trọng trả lời thông tin chấm điểm, xếp hạng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác. Để tăng cường trao đổi thông tin thì CIC cần chủ động đề xuất Ngân hàng Nhà nước liên hệ với các bộ, ngành để tham mưu ban hành các công văn liên tịch về việc phối hợp trao đổi thông tin với Ngân hàng Nhà nước.
Với vị trí là một tổ chức thông tin tín dụng công thuộc Ngân hàng Nhà nước, hoạt động xếp hạng tín dụng thể nhân của CIC có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp thông tin tín dụng, phục vụ cho hoạt động tín dụng và các tổ chức tín dụng. CIC có lợi thế về nguồn thông tin tín dụng tổng hợp từ các tổ chức tín dụng và các thông tin khác từ các bộ ban ngành, với cách tiếp cận xếp hạng tín dụng khoa học và hệ thống cùng với đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao nên có thể thực hiện hoạt động này với mức độ tin cậy cao.
Việc tiếp tục hoàn thiện hoạt động chấm điểm thể nhân nói riêng, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin tài chính tín dụng nói chung sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro tín dụng, đảm bảo một nền kinh tế tài chính phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững cho Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét